Nên làm gì khi Nhân sự không phải là một phòng chức năng riêng ?

Gửi anh Kính Cận!

Em thường xuyên đọc thông tin trên Blog nhân sự của anh và cũng đã đọc hết hai cuốn sách xuất bản của anh. Do vậy, với em Anh là người Anh và là Bậc Thầy của em.

Hiện tại, em đang gặp khó khăn và không biết giãi bày cùng ai, người đầu tiên em nghỉ đến là anh và Blog nhân sự, nơi mà em có thể tìm được tiếng nói chung.

Con đường đi tới nghề nhân sự của em thật bất ngờ, em là sinh viên chuyên nghành Lịch Sử Việt Nam - Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội TPHCM.

Lúc mới ra trường em xin làm tiếp tân cho một công ty xây dựng, sau 8 tháng gắn bó thì em xin nghỉ với lý do mình không thể đi theo nghề tiếp tân trong suốt cuộc đời của mình. Chỉ mới gắn bó 8 tháng nhưng đây là thời gian hết sức quan trọng và đó là mốc son dẫn em đến với nghề nhân sự.

Ở vị trí tiếp tân em khá nhàn rỗi nên em đã quan sát từng vị trí trong công ty ( vì công ty có quy mô chỉ 15 người). Trong tất cả các vị trí, em cảm thấy rất hứng thú với vị trí nhân sự .Em quyết định sẽ tìm hiểu và chọn đây là nghề phát triển trong suốt cuộc đời của mình.

Thời gian rãnh em tranh thủ tiếp cận chị làm nhân sự để học hỏi như: Xin đánh máy về các mẫu bảo hiểm, xin cập nhật thông tin hồ sơ ứng tuyển …. dần dần chị ấy tin tưởng và giao cho em khá nhiều việc liên quan đến nhân sự. Ngoài việc có chút kinh nghiệm về nhân sự, vốn ngoại ngữ của em củng kha khá nên em quyết định xin nghỉ, để tìm một vị trí nhân sự danh chính ngôn thuận tại công ty nước ngoài.

Rồi cái ngày đó cũng đến, em được nhận vào một công ty nước ngoài với chức danh là nhân viên nhân sự. Tổng số nhân viên và công nhân là 100 người. Em phụ trách các mảng chính bao gồm: Chấm Công, Tính Lương, BHXH, Thuế Thu Nhập Cá Nhân, An Toàn Lao Động …. Tuyển Dụng, Đào Tạo và các hoạt động Admin liên quan đến nhân sự.

Sau 3 năm em được lên chức Senior HR, và hiện nay là hơn 4 năm với mức lương 11 triệu ( mức ban đầu của em là 5,5 triệu). Ngoài ra, em có con nhỏ 3 tuổi nên công ty còn tạo điều kiện cho em đi làm sớm và về sớm phù hợp với hoàn cảnh đưa đón con của em.

Công việc của em nếu người ngoài nhìn vào sẽ thấy rất đáng mơ ước, nhưng hiện nay em luôn suy nghỉ trăn trở trong lòng, nỗi khó khăn không có câu giải đáp.??

Tuy là công việc nhàn rỗi, áp lực không cao, nhưng em ( hay nói đúng hơn là ở vị trí nhân sự tại công ty này) thì không có quyền quyết định bởi cơ cấu công ty đặt nhân sự dưới sự quản lý của kế toán trưởng. Tất cả mọi hoạt động nhân sự đều phải thông qua kế toán trưởng, mọi quyết định chỉ đạo đều làm theo chỉ thị của kế toán trưởng, nhân sự hầu như chỉ là “ tuân lệnh” chứ không được đề xuất ý kiến gì. Nếu nói là không thể làm việc thì không đúng vì em đã gắn bó với công ty này gần 5 năm và hiện tại thì công việc vẫn đang rất tốt. Tuy nhiên, em vẩn mong muốn nhân sự có một tiếng nói riêng, có một số quyền hạn nhất định, chứ không phải chỉ “ tuân lệnh” hay “ Làm dâu trăm họ”.

Em muốn tìm một môi trường mới, em muốn nhân sự phải là một phòng ban có chức năng riêng, có quyền hạn và có những quyết định rõ ràng, em muốn được đóng góp ý kiến, được giãi bày mong muốn và được quyết định những cái mình cho là đúng.

Nhưng nhìn vào thực tế em lại sợ, em sợ không biết ngoài kia, nhân sự có được nhìn nhận như trong suy nghỉ mình không? Hay nhân sự cũng thuộc phòng ban kế toán- lệ thuộc và không tiếng nói? Ngoài ra, không biết ở công ty khác mình có thời gian cho gia đình không? …. vậy giờ đây em nên ra đi để phấn đấu cho hoài bảo của mình? hay tiếp tục ở lại để có thời gian cho gia đình? Nếu ở lại thì làm thế nào để xây dựng được tiếng nói riêng, chức năng riêng, cho vị trí nhân sự trong công ty này?

Mong anh cho em một lời khuyên chân thành.

Em cảm ơn anh. Chờ hồi âm sớm của anh.

Em

***

Dear chị,

Cám ơn chị đã tin tưởng khi gửi mail tâm sự cho Cường. Mail của chị chứa đựng 1 thực tế mà khá nhiều anh chị em làm HR gặp phải đó là rơi vào tình trạng "làm dâu trăm họ", không có tiếng nói trong công ty. Tuy nhiên việc này đang được thị trường nhìn nhận lại khi quản trị Nhân sự - Nhân lực ngày càng cho thấy sự quan trọng của mình. Quản trị Nhân sự là 1 trong tứ trụ về quản trị mà công ty nào cũng phải quan tâm: Kinh doanh, Nhân sự, Tài chính, Sản xuất. Quay trở lại tâm sự của chị. Chị muốn hỏi Cường là:

1. Các công ty khác trên thị trường có giống công ty của chị không ? Câu hỏi này Cường đánh giá là chị chắc hẳn ít đi giao lưu với cộng đồng HR. Bản thân C thấy, mỗi công ty mỗi khác. Nó tùy vào quan điểm và sự hiểu biết của ban lãnh đạo công ty. Bên nào coi trọng HR thì có phòng riêng. Bên nào không thì sát nhập đâu đó.

2. Có nên thay đổi môi trường không khi mọi thứ gần như có vẻ thuận lợi với chị nếu an phận? Chị ạ, việc thay đổi môi trường nên là phương án cuối cùng khi mọi nỗ lực thay đổi của bản thân không được. Chị di chuyển từ nơi này sang nơi khác chưa chắc đã khá hơn khi chị chưa chứng minh được rằng mình đã tận lực cố gắng. Theo C chị nên:

- Đào tạo về quản trị Nhân sự cho ban lãnh đạo để họ thấy rằng Hr rất quan trọng. Chị đừng bó hẹp mình trong nghĩa đen của từ đào tạo. Có nhiều phương án và cách thức để đào tạo như gửi 1 bài viết hay về nhân sự cho sếp, đề nghị sếp đứng ra huấn luyên về nghiệp vụ nhân sự cho các lãnh đạo cấp trung, đưa ra các con số minh chứng cho sự quan trọng của HR ... Tệ nhất là đề nghị sếp tham gia nhiều hội thảo, buổi đào tạo về HR hơn.

- Tăng cường đề xuất các dự án về nhân sự (hệ thống lương mới, đánh giá tốt hơn, đào tạo các kỹ năng ...). Đây chính là cơ sở để cho mọi người thấy là HR có rất nhiều việc chứ không phải chỉ có mấy việc thiên về phần hành và vật lý. Chị càng nghĩ ra nhiều việc càng tốt. Dĩ nhiên chúng ta không nên vẽ ra việc không đáng có mà cần dựa vào thực tế phát sinh trong doanh nghiệp của mình để tiến hành. Về mặt nhân sự, chị thấy công ty mình có vấn đề gì không? Có cái gì cần làm tốt hơn? Cái gì cần chỉnh sửa ... Cường Và bất cứ việc nào chị cũng nên kiên trì đề xuất chứ đừng nản chí.

- Tự bản thân chị cần chứng tỏ cho công ty thấy chị xứng đáng là người được giao nhiều trọng trách hơn. Thật không dễ làm việc này, Cường nghĩ chị cứ đặt mình ở vai trò lãnh đạo, suy nghĩ hộ họ về các vấn đề HR, lường trước các tình huống, cảnh báo sớm các sự cố, tư vấn cách giải quyết ... Để trở thành lãnh đạo cấp trung, chị nên rèn cho mình nhiều thứ trong đó có khả năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp. Đây có vẻ như là 2 thứ được mọi người công nhận như 2 yếu tố cần phải có của các tân quản lý.

- Dùng một số biện pháp để đưa chị kế toán trưởng lên làm phó tổng giám đốc phụ trách khối gián tiếp. Từ đó vận động hành lang để tách phòng. Cách này hơi mang màu sắc chính trị trong doanh nghiệp. Nhưng để đạt được mục đích thì không thể bỏ một cách nào cả chị ạ.

4 gạch đầu dòng ngắn gọn vậy thôi nhưng trong đầu Cường thấy có rất nhiều việc để làm. Do không biết nội tình bên trong doanh nghiệp của chị có gì để có thể tư vấn cụ thể nên Cường không dám nói bừa sâu hơn. Khi chị tận tâm tiến hành 4 cách trên mà vẫn không có sự thay đổi gì thì chị có thể di chuyển sang đơn vị mới cũng được.

Ngoài ra, nếu chị có thời gian rỗi, chị nên tăng cường tham gia các hoạt động cộng đồng. Chị đã có khá nhiều năm kinh nghiệm rồi. Có lẽ chị nên truyền lại 1 ít cho các đàn em đi sau. Biết đâu những hoạt động này sẽ giúp được chị có thêm cơ hội mới.

Trong không khí Tết, Cường mới chỉ có thể góp ý được đôi ba dòng như vậy. Hi vọng nó giúp được chị ít nhiều. Nếu chị cần Cường hỗ trợ gì, chị cứ chủ động mail cho C. Nếu giúp được thì Cường sẽ làm ngay.

Chúc chị năm mới vui vẻ.

Brgs
HC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *