Ai sẽ tôn trọng ai, nếu mọi nơi làm việc đều thành cái chợ chửi trên Internet?

Bài này rất đi vào lòng người. Up lên đây để hi vọng những bạn trẻ hiểu.

“Kẻ phản bội” trong câu chuyện đi làm bị trừ hết tiền lương cả tháng

Câu chuyện một bạn trẻ lên Facebook, kể mình đi làm bị trừ 200.000 đồng/ngày nghỉ không phép và sau cả tháng chỉ còn cầm về 149.000 đồng làm tôi nhớ đến một bản đăng tuyển dụng trong tiệm ăn của người bạn: "Yêu cầu duy nhất: Khi nghỉ việc có thông báo trước một tháng".

Khi nhân viên sắp nghỉ việc quyết "trả đũa"

Rất nhiều người làm chủ công việc kinh doanh nhỏ thuê sinh viên, người trẻ mới ra đời làm các công việc phổ thông như bưng bê, tính tiền, giữ xe, dàn chào nhà hàng hay bán hàng theo ca ở các cửa hàng nhỏ. Thuê các bạn thì rẻ, vì không có kinh nghiệm và sẵn sàng học hỏi. Những giờ phút đầu tiên, sự trẻ trung cũng làm không khí nơi làm việc bừng sáng lên chút ít, giữa những công việc đã cũ và người quản lý đã quen việc.

Nhưng rồi, sinh viên – hay người trẻ hóa ra cũng không... đáng yêu như thế. Khi họ giận bạn đồng nghiệp, giận sếp, họ đăng lên Facebook, chửi bằng đủ mọi ngôn ngữ mạt sát. Họ tố tiệm ăn bẩn, chụp ảnh đồng nghiệp xấu, dùng lời lẽ văng mạng để xả cơn giận mà họ giấu kín ở chỗ làm việc.

Nghiêm trọng hơn, họ đem những chuyện nội bộ của nơi làm việc, như nhà vệ sinh bẩn lắm, món này giá rẻ mà bán mắc, chủ ghét chó mèo và ác lắm... đưa lên mạng, vì biết những thông tin giận dữ của mình thực sự có thể trả đũa được người thuê.


Phong bì nhận lương của nhân viên cửa hàng từ 1,1 triệu, bị phạt còn 149.000 đồng.

Một cách trả đũa khác hay được bạn trẻ sử dụng là "xài cho chết". Những nơi làm việc nhỏ thường yêu cầu tiết kiệm điện, nước hay hơi khắt khe về việc gì đó. Có bạn trẻ lấy nguyên một đống giấy A4 trắng chưa dùng trong văn phòng, cứ thế lúc không có ai mà bỏ vào máy cắt giấy, chụp ảnh khoe hả hê là "ở đấy mà tiết kiệm, này thì tiết kiệm". Hoặc có người ác ý với nơi làm việc tới độ, cứ mở van nước để nước chảy, coi việc công ty phải trả tiền nước vì sự trả đũa của mình là hả hê, xứng đáng.

Nhưng quen thuộc hơn cả, là sự nghỉ việc bất tử của một số người trẻ. Cãi nhau vài câu, cậu nhân viên xách xe máy bỏ về, mai khỏi đi làm, tạm biệt công ty không bàn giao việc. Trả đũa cho tận cùng, có bạn làm phụ quán ăn, đợi đến gần sáng hôm sau đi làm lại mới nhắn tin "Em xin nghỉ luôn" – làm chủ quán chỉ còn nước đứng khóc vì thiếu người phục vụ, nấu nướng như phần việc hàng ngày.

Những trận địa phản ứng, nghỉ việc, phẫn nộ này xuất hiện ngày một nhiều trên mạng xã hội. Những status hả hê, chửi bằng đủ ngôn từ không kìm chế, moi hết chuyện nơi làm việc trưng bày lên mạng. Cuộc bỏ việc chạy lấy người của các bạn trẻ khiến cho những người thuê việc bối rối, tổn hại. Có tiệm ăn ở Sài Gòn bị tung những hình ảnh cực bẩn, cực dơ bẩn lên và mất khách nghiêm trọng. Cuối cùng người tung câu chuyện là nhân viên cũ, vì giận dữ chủ quán nên làm vậy. Hình ảnh cũng không phải... chụp từ trong quán ra.

Nhưng chắc bạn trẻ đang giận dữ ấy không hiểu, họ đang biến mình thành kẻ tiềm năng thất nghiệp trong tương lai.

"Chạy trốn vô cùng dễ, chỉ là nó sẽ hủy hoại chính bạn"

"Kẻ phản bội", "trẻ con" - Đó chính xác là những gì người xung quanh, đặc biệt là người có khả năng đang tìm thuê người làm việc, sẽ nghĩ về một cái status mạt sát công việc của bạn trước đó.

Cái status đó tiết lộ bạn đang suy nghĩ vô cùng tồi tệ về người khác. Nhưng bạn không nói thẳng ra bằng một trao đổi công việc thông thường, mà lại chuyển hóa thành trò ném đá sau lưng. Khi làm chủ, không ai dám thuê nhân viên như vậy cả.

Những hằn học, chửi mắng còn trưng ra cho người ngoài thấy bạn suy nghĩ thật ác cảm về xung quanh. Ai sẽ dám ở bên cạnh những kẻ ác cảm, trừ chính những người giống như vậy đang nhảy vào... chửi hùa với bạn cho vui trên mạng.

Chuyện đem yếu tố "nhạy cảm" của nơi làm việc ra, tung lên mạng đúng vào khoảnh khắc bạn bỏ việc sẽ cho thấy người làm việc không hề tôn trọng sự nội bộ của công việc, sẵn sàng hủy hoại đồng nghiệp, đạp đổ và làm tổn thương nơi mình đã hợp tác. Hãy tưởng tượng người đang xem cái status của bạn là một người đang tìm kiếm nhân viên và đã định sẽ ngỏ lời với bạn, họ có còn đủ can đảm mời bạn hợp tác không?

Câu chuyện tố cửa hàng được một nhân viên chia sẻ trên Facebook.

Nhưng tồi tệ nhất là bỏ việc, biến mất, không nói một lời, không nghe điện thoại. Hành động đó cho thấy bạn mãi chỉ là một thằng trẻ con. Bạn không đủ can đảm để đối mặt và tranh cãi, cũng không đủ bản lĩnh và mạnh mẽ để bàn giao, kết thúc công việc trong sự thẳng thắn và có trao đổi. Biến mất giống như chạy trốn. Bạn trốn nơi làm việc vì bạn ghét sếp, giận đồng nghiệp, bực tới nỗi chả buồn nhìn mặt họ. Nhưng bạn còn nhớ ngày đến xin việc, công ty và bạn trao đổi với nhau đàng hoàng. Không lẽ giờ kết thúc công việc, bạn không đủ lớn để hành xử với họ như một người lớn sao?

Chạy trốn vô cùng dễ, chỉ là nó sẽ hủy hoại chính bạn. Nó sẽ tiếp tục bằng các cuộc chạy trốn mới. Bạn lại tắt điện thoại, biến mất, nghỉ ngang... chỉ vì giận. Vâng, ổn thôi. Nhưng cuộc đời không có nhiều cơ hội để chúng ta táng vào mặt nhau như thế đâu.

Chính những phản ứng đó của bạn sẽ hủy hoại lịch sử làm việc của bạn, CV bạn, thậm chí hủy hoại cả thói quen ứng xử đàng hoàng, để thay vào đó bằng những hành động sai lệch kéo dài với cả sự nghiệp.

Vậy làm sao đối mặt với những người thuê xấu xa?

Vậy nếu bạn phải đối mặt với người thuê mình làm việc xấu xa tới mức không thể chịu đựng được thì sao? – Câu hỏi này hẳn sẽ dằn vặt rất nhiều người mới đi làm. Nhưng có lẽ một nguyên tắc mà họ không được quên: Luôn hỏi cặn kẽ mọi thứ, tất cả mọi thứ.

Nhiều người trẻ đi làm bồi bàn, quán ăn, khuân vác, bưng hàng... thường nghĩ mình đang đi làm việc tay chân, khúm núm sợ hãi, cảm giác như mình được ban phát một công việc. Sự sợ hãi này bắt đầu cho mọi tồi tệ phía sau: Tức giận không dám nói, bị đổ tội oan không dám cãi, bị trừ tiền bất thường không dám hỏi, bị bóc lột thêm giờ cũng ngậm tăm. Tới khi bùng nổ thì... đạp đổ, biến mất.

Bạn không hề đi "xin", bạn đang đi bán sức lao động một cách sạch sẽ và lương thiện. Vậy thì, việc đầu tiên là phải đặt câu hỏi: Tôi được trả lương ra sao? Bao nhiêu? Theo giờ hay theo tháng? Một ca/kíp/ngày làm mấy giờ? Những hạng mục nào sẽ bị phạt tiền? Khi nghỉ tôi cần báo trước bao lâu? Lương sẽ trả vào ngày bao nhiêu của tháng/tuần? – Và bạn không hài lòng cái gì, cần trao đổi lại ra sao.

Rất nhiều bạn trẻ nói họ cảm thấy lương "tế nhị" nên không dám hỏi. Ngay cả ở bước đầu tiên bạn không rõ ràng, thì làm sao mong chờ thế gian sẽ rõ ràng với mình? Bạn đang đi bán sức lao động, chứ không phải đi tán tỉnh người yêu. Công việc dù tay chân nhất hay sơ đẳng nhất, cũng cần một sự rõ ràng tối thiểu để hai bên có thể "chung sống" với nhau một thời gian bền hay ngắn ngủi.

Bản theo dõi giờ giấc đi làm cũng như ghi chép lỗi của các nhân viên trong một cửa hàng.

Cả hai đều im im, cả hai đều lặng lẽ, cả hai đều nguyền rủa nhau vì lỗi sai của nhau, thì tất yếu là bạn sẽ đạp đổ bàn bỏ chạy, hoặc chủ lao động sẽ làm hành động xấu tống cổ bạn ra khỏi công việc.

Sẽ rất nhiều bạn đụng những hoàn cảnh tồi tệ như quán ăn làm rất bẩn và bạn không thể thỏa hiệp, chủ doanh nghiệp làm điều gì đó sai trái mà bạn thấy không phù hợp, bạn bị sờ mó, đụng chạm, hoặc chửi bới xúc phạm, bị lừa tiền lương, chậm trả công hoặc xù tiền.

Nếu bạn thực sự suy nghĩ điều mình biết cũng CẦN cho những người lao động như mình để họ tự vệ, hoặc mình có trách nhiệm phải nói với cộng đồng vì tiệm ăn đó rất hại sức khỏe vì bẩn, công ty đó rất tệ và làm tổn thương cộng đồng, hãy thực hiện việc tiết lộ dựa vào câu hỏi: Tôi có đang bảo vệ cộng đồng tốt hơn với hành động này? – Nếu có, thì đó là chọn lựa bạn cần làm.

Nhưng nếu câu hỏi chỉ là: Tôi có vui sướng khi trả được thù này? - thì thực ra bạn chỉ đang trả đũa kiểu trẻ con thôi. Bạn trẻ con tới mức chửi văng mạng trên internet, mà không một lần nào thảo luận với người thuê mình về công việc.

Ai sẽ tôn trọng ai, nếu mọi nơi làm việc đều thành cái chợ chửi trên Internet?

Theo Trí Thức Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *