Có phải đóng kinh phí công đoàn tại Văn phòng Đại diện với 1 nhân viên ?

Không biết các công ty đã đóng Kinh phí công đoàn chưa ? Nếu chưa thì mọi người tiến hành đóng đi thôi.

***

Gửi anh Hùng Cường,

Phiền anh tư vấn giúp em 1 việc sau: bên em là VPĐD 1 cy quốc tế tại HN. Gần đây người bên quận LB gửi mail & gọi điện thường xuyên giục em đóng phí công đoàn 2% BH. Em đã trả lời họ rằng VP em chỉ có 1 người nên không thành lập CĐ. Nhưng họ nói dù đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, thì bên em vẫn phải đóng kinh phí cho liên đoàn lao động quận.

Anh trả lời giúp em được không ạ?

Thank you!

Best regards,

***

Chào bạn!

Bạn vui lòng đọc các thông tin dưới đây để hiểu hơn về điều đã cũ nhưng mới với 1 số người. Theo quy định tại Nghị định 191/2013/NĐ-CP

Điều 4. Đối tượng đóng kinh phí công đoàn

Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:

1. Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
4. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
5. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
6. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
7. Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động."

Như vậy, văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài thuộc đối tượng đóng kinh phí công đoàn

Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn.
Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Nếu không đóng sẽ bị xử phạt theo Nghị định 88/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/11/2015.: Mức phạt không đóng kinh phí công đoàn

Theo quy định trên thì doanh nghiệp bắt buộc phải nộp kinh phí công đoàn cho người lao động. Nếu doanh nghiệp không nộp kinh phí công đoàn thì theo quy định tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP tại Điều 1, Khoản 24c quy định về xử lý vi phạm về đóng phí công đoàn như sau:

“2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.

Biện pháp khắc phục hậu quả:
Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.””

Theo quy định trên thì:

– Doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thì phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền vi phạm nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

– Chậm nhất 30 ngày khi có quyết định xử phạt, doanh nghiệp phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, tiền chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm đó.

Quy định về kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn 2016

CÔNG ĐOÀN
Kinh Phí Công Đoàn Đoàn Phí Công Đoàn
1. Văn bản quy định
- Hướng dẫn
 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP Hướng dẫn số 258/HD-TLĐ
được sửa đổi bổ sung Công văn 449/TLĐ
2. Đối tượng đóng Doanh nghiệp Đoàn Viên (Người lao động)
3. Mức đóng Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
Nhưng mức đóng hàng tháng tối đa bằng 10% tiền lương cơ sở theo quy định của Nhà nước
4. Phương thức đóng Đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động Đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng hàng tháng cho tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn hoặc thu qua lương hàng tháng sau khi có ý kiến thỏa thuận của đoàn viên công đoàn

Chú ý:
-          Chủ doanh nghiệp thuộc đối tượng không kết nạp vào tổ chức công đoàn => do đó chủ doanh nghiệp không phải đóng đoàn phí công đoàn (theo hướng dẫn 238/HD-TLĐ ngày 04/03/2014 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam)
-          NLĐ không tham gia công đoàn không phải đóng đoàn phí công đoàn.
-          Doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn vẫn phải đóng kinh phí công đoàn. Nhưng NLĐ không phải đoàn phí công đoàn.
-          Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; Đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.

Địa chỉ đóng kinh phí công đoàn
Doanh nghiệp thực hiện đóng kinh phí công đoàn (KPCĐ) tại Phòng kế toán của Liên đoàn lao động quận (huyện) nơi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ( lưu ý trong trường hợp DN chưa nộp KPCĐ lần nào nên liên hệ với liên đoàn lao động quận để được hướng dẩn cách tính tỷ lệ trích nộp và các giấy tờ cần thiết phải nộp 6 tháng hay 1 năm).

THỦ TỤC NỘP TIỀN KPCĐ (2% ∑Lương đóng BHXH)
Tất cả DN đang hoạt động và bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm cho nhân viên, yêu cầu lên Liên đoàn lao động quận để đóng KPCĐ . Đóng tiền trực tiếp tại Liên đoàn lao động.

KPCĐ phải nộp = Tổng lương tham gia bảo hiểm của toàn bộ nhân viên trong công ty X 2%
- Đối với DN mới hoạt động sẽ đóng bình thường cho tháng đầu tiên và tiếp nối các tháng sau đó.
- Những DN hoạt động được 1 thời gian mà chưa đóng sẽ bị truy thu trở lại từ tháng bắt đầu đóng KPCĐ . Số tiền được tính tương tự như trên.

Trường hợp doanh nghiệp có thành lập công đoàn cơ sở (tức là công ty có thành lập tổ chức công đoàn)

- Tiền kinh phí công đoàn:
+ 65% cho Công đoàn cơ sở (DN) giữ
+ 35% nộp về Công đoàn cấp trên được phân cấp quản lý tài chính công đoàn cơ sở hay chính là Liên đoàn Lao động quận (huyện)
- Đoàn phí Công đoàn (tức 1% lương cơ bản của nhân viên), trong đó:
+ 60% cho Công đoàn cơ sở giữ
+ 40% nộp về Công đoàn cấp trên được phân cấp quản lý tài chính công đoàn cơ sở hay chính là Liên đoàn Lao động quận (huyện)

Trường hợp doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở

- Không phải đóng đoàn phí công đoàn.
- Tiền kinh phí công đoàn:
+ 65% Công đoàn cấp trên hay chính là Liên đoàn Lao động quận (huyện) giữ hộ để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị này.
+ 35% còn lại nộp cho Công đoàn Nhà nước

(Theo Điều 6 Quyết định 270/QĐ-TLĐ của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam quy định về phân phối thu nguồn tài chính công đoàn cơ sở)

Doanh nghiệp bắt buộc phải nộp kinh phí công đoàn từ khi nào?

Căn cứ Nghị định 191/2013/NĐ-CP tại Điều 11 quy định về hiệu lực thi hành như sau:

“Điều 11. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 01 năm 2014. Riêng quy định về mức đóng phí công đoàn tại Điều 5 Nghị định này được thực hiện từ ngày Luật công đoàn có hiệu lực thi hành.”
Theo Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 tại Điều 32 quy định về hiệu lực thi hành như sau:

“Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.”

Do đó doanh nghiệp phải bắt buộc nộp kinh phí công đoàn kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

File đính kèm: http://goo.gl/9udQ5f
TB 03 ve thu nop Tai chinh Cong doan theo ND 191.PDF
CV 313 cua UBND quan Long Bien chi dao viec trich nop KPCD 2016.PDF
HD 16 ve dam bao thuc hien quyen cong doan theo Nghi dinh 88 nam 2015 cua CP.pdf :
Noi dung NĐ 191 ve thu Tai chinh CD.pdf : http://goo.gl/rZQqwh

MỘT SỐ THÔNG TIN THÊM VỀ CÔNG ĐOÀN

1. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở:.

Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; các hợp tác xã có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; cơ quan xã, phường, thị trấn; các cơ quan nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập có hạch toán độc lập; các chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có sử dụng lao động là người Việt Nam được thành lập công đoàn cơ sở khi có đủ hai điều kiện:

- Có ít nhất năm đoàn viên công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
- Có tư cách pháp nhân.

2. Trình tự thành lập công đoàn cơ sở theo Điều 17 thực hiện như sau:

2.1. Tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở:

a. Người lao động có quyền yêu cầu công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi gần nhất hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ việc thành lập công đoàn cơ sở tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam thì người lao động tự tập hợp, bầu trưởng ban vận động để tổ chức vận động thành lập công đoàn cơ sở. Trường hợp có một người lao động là đoàn viên công đoàn thì đoàn viên công đoàn có quyền tập hợp người lao động và làm trưởng ban vận động, nếu số đoàn viên công đoàn nhiều hơn (dưới 5 đoàn viên) thì bầu trưởng ban vận động trong số đoàn viên công đoàn.

Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở chấm dứt nhiệm vụ sau khi bầu được ban chấp hành công đoàn cơ sở.

b. Trường hợp thành lập công đoàn cơ sở ghép nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì mỗi đơn vị phải có ít nhất ba người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam và có ít nhất một đại diện trong ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.

2.2. Hội nghị thành lập công đoàn cơ sở:

a. Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở đề nghị công đoàn cấp trên hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.

b. Nội dung hội nghị thành lập công đoàn cơ sở gồm:
- Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.
- Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.
- Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.
- Bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở.
- Thông qua chương trình hoạt động của công đoàn cơ sở.

c. Việc bầu cử ban chấp hành công đoàn tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá một phần hai (1/2) so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở phải có chữ ký của trưởng ban vận động thành lập công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

3.3. Hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở gồm có:
a. Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở.
b. Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động.
c. Biên bản hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.
d. Biên bản kiểm phiếu bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở (có trích ngang lý lịch kèm theo).

3.4. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi có quyết định công nhận của công đoàn cấp trên, ban chấp hành công đoàn cơ sở do hội nghị thành lập công đoàn cơ sở bầu ra có trách nhiệm tổ chức đại hội lần thứ nhất.

Trường hợp quá 12 tháng chưa tổ chức được đại hội thì thực hiện theo điểm b, mục 9.3, Chương II Hướng dẫn này.

3.5. Trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở:

a. Cán bộ công đoàn cấp trên có quyền và trách nhiệm tiếp cận người lao động tại nơi làm việc và ngoài nơi làm việc để tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập Công đoàn.

b. Hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người lao động thành lập công đoàn cơ sở:

Khi người lao động tổ chức ban vận động hoặc khi có đề nghị về việc thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm cử cán bộ đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nơi chuẩn bị thành lập công đoàn cơ sở để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ việc tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở, tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở. Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ tổ chức một ban vận động thành lập công đoàn cơ sở. Trường hợp người lao động tổ chức nhiều ban vận động trong cùng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người lao động liên kết thành một ban vận động, hoặc chỉ định thành viên của ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.

c. Thẩm định, quyết định công nhận hoặc không công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm:

- Thẩm định quá trình tổ chức ban vận động, tập hợp người lao động, đảm bảo tính tự nguyện, khách quan; quá trình tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở và bầu ban chấp hành theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đảm bảo tính đại diện đối với tập thể người lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

- Trường hợp đủ điều kiện công nhận thì ra các quyết định công nhận, bao gồm:
+ Quyết định công nhận đoàn viên, theo danh sách đoàn viên.
+ Quyết định công nhận công đoàn cơ sở.
+ Quyết định công nhận ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành. Thời gian hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở do hội nghị thành lập công đoàn cơ sở bầu ra không quá 12 tháng.

- Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thông báo không công nhận đoàn viên hoặc công đoàn cơ sở, ban chấp hành công đoàn cơ sở. Đồng thời cử cán bộ công đoàn trực tiếp tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn; quyết định kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chỉ định ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời công đoàn và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời công đoàn theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Tài chính Công đoàn dùng để chi các khoản sau đây:
a. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;
b. Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
c. Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh;
d. Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động;
đ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn;
e. Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cho người lao động;
g. Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;
h. Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên Công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;
i. Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;
k. Trả lương cán bộ chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ Công đoàn không chuyên trách;
l. Chi cho hoạt động của bộ máy Công đoàn các cấp;
m. Các nhiệm vụ chi khác.

Dựa vào các thông tin trên hẳn bạn sẽ tính ra được số tiền phải đóng của văn phòng mình là bao nhiêu. Chúc bạn hoàn thành công việc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *